Thế giới Lure (Lịch sử môn câu lure và mồi Lure trên thế giới – Phần 1)

Đăng bởi Thuỳ Linh vào lúc 28/02/2020

PHẦN 1 :

Chưa có một con số thống kê cụ thể nào cho thấy có bao nhiêu người tham gia môn câu lure (câu cá bằng mồi giả) trên Thế Giới, chỉ biết là không thể đếm xuể. Còn ở Việt Nam, chỉ mới vài năm trước, rất nhiều tay câu thâm niên cho việc một con mồi giả có thể thay thế một con mồi thật để chinh phục cá là điều không tưởng. Nhiều người thậm chí còn muốn mua thêm hương liệu tạo mùi tanh để tẩm ướp lên con cá giả trước khi cho nó ra trận. Thế mà nay, có thể nói, môn câu mồi giả đã ở thế sẵn sàng khai tử cho kiểu câu ngâm truyền thống với hàng loạt tín đồ mới tăng lên mỗi ngày.

Mồi lure mang đậm sắc thái nghệ thuật

Trong câu cá giải trí, câu “lure” là sử dụng một vật thể, gọi là mồi lure, được thiết kế để có hình dáng, hoạt động, hành vi, giống như con mồi thật, nối vào cuối dây. Mồi lure, với mục tiêu là tận dụng mọi sự rung động, màu sắc mà nó được các nhà chế tác truyền vào để thu hút, quyến dụ con cá, khiến chúng không thể cưỡng lại. Đi kèm với mồi giả là một hay nhiều lưỡi đơn, hoặc lưỡi đôi, lưỡi ba.

Câu lure là phải sử dụng cần và máy. Khi mồi lure được dùng cho mục đích quăng, nó được liên tục quăng ra xa và thu dây kéo vào. Câu lure vô cùng thử thách và thú vị. Nếu mồi sống quyến rũ cá tự nhiên theo bản năng thì trong câu lure, người câu phải điều khiển mọi chuyển động của lure sao cho hấp dẫn với cá nhất. Người câu phải biết chọn đúng mồi, quăng chính xác, tốc độ thu dây phải đúng cùng với khả năng hiểu về nước, thời tiết, các loại cá cư trú, phản ứng của cá, thời gian câu và nhiều yếu tố khác nữa...

Lịch sử kéo dài từ cổ đại đến đương đại
Môn câu lure có tuổi đời dài hơn trí tưởng tượng của bất kỳ ai, từ thời cổ đại, một thời kỳ mà con người được cho là chỉ biết lôi cá ra khỏi nước bằng bàn tay trần, tiến hóa hơn thì đâm cá bằng giáo, mác. Thế nhưng, các công trình khảo cổ học ở các hang động đều cho thấy sự xuất hiện của những thứ trông giống như lưỡi câu được làm bằng xương động vật và đồng. Lịch sử ghi nhận người Ai Cập cổ và người Trung Hoa cổ là những tộc người đầu tiên biết câu cá bằng dây (không có máy hoặc cần).

Đến khoảng niên đại 2000 năm trước Công Nguyên, họ đã bắt đầu sử dụng cần câu. Ngư dân Trung Hoa cổ là người làm ra dây câu đầu tiên, tất nhiên là bằng thứ sợi lụa mịn chứ không phải dây như bây giờ. Còn người La Mã cổ là những người đầu tiên biết tận dụng câu cá làm trò tiêu khiển, thế kỷ thứ III sau Công Nguyên, một nhân vật tên là Claudius Aelianus, đã viết nhiều về niềm vui khi câu Fly. Ông cũng tự mình làm mồi lure từ những thứ như lông thú, đồng, chì và dây câu thì từ bờm ngựa.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử của câu lure, có thể thấy việc tạo ra mồi lure chủ yếu là trò vui của các câu thủ, họ thích sáng tạo và trải nghiệm sự sáng tạo đó bằng những thành công trên thực địa. Rất nhiều mồi lure mang đậm sắc thái nghệ thuật cũng ra đời. Đến giữa thế kỷ 19 thì việc chế tác mồi giả mới được thương mại hóa. Đầu những năm 1900, “Heddon and Pflueger” của Hoa Kỳ là công ty tiên phong trong việc đưa mồi giả vào sản xuất hàng loạt, đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ phát triển rực rỡ của môn câu lure, mang đến cho thế giới hiện đại hàng tỉ đô la trên khắp các lục địa.

Môn câu Lure đã và đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết và chắc chắn nó sẽ góp phần thay đổi cách con người câu cá trong tương lai.

Những loại mồi Lure nổi tiếng trong lịch sử Lure thế giới

Artificial Flies (Ruồi nhân tạo)

Mồi Ruồi nhân tạo

Nói đến những con mồi lure lâu đời nhất trong lịch sử không thể không nói đến Artificial Flies, loại mồi mô phỏng hình dáng của loài ruồi, bọ sống dưới nước hoặc trên cạn. Đa số loài ruồi, bọ đều là nguồn thực phẩm chính của cá ở một thời điểm nào đó trong năm nên câu mồi này cực kỳ hiệu quả. Nhắc đến mồi flies, đa phần suy nghĩ đều hướng đến kỹ thuật câu Fly, một kỹ thuật câu chủ yếu chinh phục hai loại cá Hồi là cá Hồi Hương (Trout) và cá Hồi (Salmon) ở xứ lạnh, nhất là cá Hồi Hương vốn sống trong những dòng nước lạnh, chảy luân lưu, rất sạch, nhiều dưỡng khí nên rất nhát, chỉ cần một tiếng động lạ hoặc bóng người thoáng qua là không thể bắt được chúng.

Kiểu câu Fly hoàn toàn khác biệt với các kiểu câu spinning, casting, trolling thông thường, sử dụng loại cần/ máy/ dây chuyên biệt, chủ yếu dựa vào sức nặng của dây để quăng mồi, kèm theo điều kiện: dây phải đủ nặng để quăng mồi đi xa nhưng không được quá nặng để khi rơi xuống nước tạo tiếng động mạnh làm cá sợ. Trong lịch sử phát triển của mình, môn câu Fly đã có những thay đổi đáng kể, ngoài loại mồi ruồi khô (Dry Flies) chỉ dùng câu trên mặt nước, rất nhẹ nhàng rón rén, còn có những loại mồi Flies khác còn tạo ra tiếng động, dùng khi nước đục. Và mồi Flies, kiểu câu Fly không chỉ dành riêng cho loài cá Hồi danh giá nữa mà còn cho các loại cá khác.

Mồi Dry Flies

Người câu lure muốn câu hiệu quả cần phải biết rõ loại mồi mình đang có, ví dụ mồi Flies có Dry Flies (ruồi khô) chỉ dùng để câu trên mặt nước; Wet Flies (ruồi ướt) câu chìm dưới nước; Nymphs thì mô phỏng loài ruồi đang kỳ thành nhộng, câu dưới nước hoặc sát mặt nước. Streamers có dáng dài, thường dùng câu chìm nhưng cũng có một số câu trên mặt; Bugs bắt chước các loại côn trùng to, đôi lúc mô phỏng cả loài chuột, nhái, cá con. Bugs cũng có thể là loại mồi không giống với bất kỳ loại thức ăn nào mà cá thường ăn cả, thu hút cá chủ yếu nhờ vào tiếng rơi của nó trên mặt nước nên thường câu trên mặt, khi rê kéo thì nó chìm xuống, ngưng kéo thì trồi lên.

Mồi Wet Flies

Câu với mồi Flies nói chung không chỉ phải chọn đúng mồi, câu đúng kiểu mà còn làm sao cho nó có tác phong giống như mồi thật. Mỗi loại mồi Flies đều ứng với một kỹ thuật câu khác nhau, muôn hình vạn trạng và tinh diệu vô cùng. Ví như khi câu với mồi Dry Flies, câu thủ phải thiết kế đường quăng sao cho con mồi chạm mặt nước, rồi cho mồi nhảy nhẹ nhàng trên mặt giống như khi con ruồi/ bọ đang bay là là trên mặt để đẻ trứng, muốn vậy, khâu phất cần ra phải thật khéo sao cho con mồi chỉ chạm mặt nước, rồi lại phất cần cho mồi chạm thêm lần nữa, sau vài lần mới cho “đậu” hẳn, và “đậu” chứ không phải rơi vì rơi sẽ tạo tiếng ồn, thấy động cá sợ sẽ không ăn. Đối với những con Flies thật, khi rơi xuống nước sẽ trôi cùng với nước, cùng một tốc độ, rất tự nhiên. Còn Flies giả, vì bị cản trở bởi dây câu nên không thể trôi giống thật được, và đó là một trong những trở ngại lớn nhất mà câu thủ phải vượt qua. Những người có kinh nghiệm thường dồn hết tâm sức vào dây câu để điều khiển mồi, họ để dây chùng, rung đầu cần trước khi thấy rõ mồi, nên khi dây xuống nước sẽ cong hình chữ S giúp mồi trôi tự nhiên. Đến khi dây căng thì lại quăng lại…

Mồi Streamer Flies

Trải qua hết thiên niên kỷ này đến thiên niên kỷ khác, mồi Flies và kiểu câu Fly vẫn giữ vững là một trong những loại mồi lure, kỹ thuật lure mang đậm sắc thái của người Tây Phương với đầy đủ sự vi diệu của khoa học và nghệ thuật.

Mồi thìa (Spoon lure)
Chuyện kể rằng, vào năm 1820, Julio T Buel, một tay câu vùng East Poultney, Vermont, trong một buổi câu trên hồ Bomosheen, thuyền của anh bất ngờ va chạm vào một tảng đá. Lúc đó, anh ta đang ăn trưa. Cú va chạm mạnh khiến chiếc thìa rơi xuống nước. Khi nhìn theo chiếc thìa chao liệng trên đường đi xuống đáy hồ, một ý tưởng về mồi câu đã nảy ra trong đầu Buel. Anh chạy nhanh về nhà, dùng một đồ dùng bằng bạc tạo hình ngay một con mồi lure có hình dáng giống chiếc thìa rồi nhanh chóng quay lại hồ và bắt được một con cá hồi lớn.

Mồi lure có hình dáng giống chiếc thìa

Julio T Buel được cho là người đã phát minh ra mồi thìa. Còn lịch sử khảo cổ học ghi nhận, ý tưởng câu cá bằng mồi thìa được thổ dân Mỹ ứng dụng từ thời xa xưa, bằng chứng là có sự hiện diện của vỏ/mai động vật thân mềm gắn với lưỡi câu làm từ xương động vật trong các hang động.

Mồi thìa được mô phỏng như chiếc vỏ/mai động vật thân mềm gắn với lưỡi câu

Trong thế giới hiện đại, mồi thìa được làm bằng thép hoặc thau, có loại làm bằng nhựa cứng, một mặt mồi được làm khuyết vào để khi rê kéo, thìa sẽ cản nước và chao đảo trong nước. Không chỉ hõm vào, đa số mồi thìa đều có một mặt được mài bóng láng hoặc mạ crom để tạo sự phản chiếu ánh sáng. Cũng có loại mồi thìa được sơn sậm màu nhằm ngăn cản sự phản chiếu làm cá bớt sợ. Mỗi mồi thường có lưỡi đơn hay lưỡi ba tiêu đính vào bằng một khoen nhỏ. Mục tiêu của mồi thìa là tận dụng sự lấp lánh, chao đảo của mồi trong nước, bắt chước những con cá nhỏ bị thương đang sợ hãi trốn chạy để thu hút cá.

Mồi thìa thế hệ mới được làm bằng thép hoặc thau, có loại làm bằng nhựa cứng...

Câu lure với mồi thìa, tùy thuộc vào cách câu, địa hình câu mà chọn những loại thìa phù hợp. Ví  như khi câu ở những khu vực rộng lớn, nước sâu, nhiều gió thì nên chọn loại thìa dày. Loại dày sẽ uốn lượn nhiều khi kéo nhanh, quăng xa dù có gió mạnh, chìm nhanh dù nước có sâu hay chảy mạnh, giúp người câu truy tìm cá nhanh hơn. Câu chỗ cạn thì dùng thìa mỏng, tuy có xu hướng trượt lên trên mặt nước khi kéo nhưng thìa mỏng cũng có ưu điểm là uốn lượn nhiều dù kéo chậm.

Mồi thìa rất dễ sử dụng và cực kỳ hiệu quả

Mồi thìa rất dễ sử dụng, tiện lợi, câu được nhiều kiểu, dù là đứng trên cầu quăng ra xa hay rê trên thuyền/ ghe trong khu nước sâu, nước chảy mạnh thì cũng rất hiệu quả, chính vì thế, nó được đánh giá là một trong những loại mồi lure thông dụng nhất trên thế giới. Tuy nhiên, khi câu loại mồi này cũng cần phải lưu ý một vài điều căn bản, đó là không cột dây trực tiếp vào mồi mà không thông qua khoen, vì cạnh sắc của mồi có thể làm dây đứt và mồi không uốn lượn hiệu quả.

Khi mua mồi thìa, nếu nhìn thấy trên vỏ hộp ghi “Trolling spoon” thì cần hiểu đây là loại mồi được thiết kế để chuyên câu rê trên thuyền. Mồi này khá mỏng để lượn nhiều trong nước, nhẹ để ít bị vướng rong và dễ trượt lên trên vật cản dù là đá ngầm. Khi câu loại cá nổi gần mặt nước, người câu không cần gắn thêm chì nặng vào mồi, nhưng nếu câu cá ăn sâu, thì phải gắn thêm chì.

Mồi quay (Spinners)
Sự sáng tạo của người câu là vô tận, bất kỳ tình huống thắng-bại nào trong câu cá đều được họ tận dụng, làm cơ sở phát triển ra một loại mồi mới, nhằm hạn chế những bất lợi và phát huy những thuận lợi trong quá trình câu. Trong lịch sử phát triển của môn câu cá thể thao, đã có rất nhiều loại mồi ghi dấu ấn cho sự sáng tạo đó, và Spinner là một ví dụ điển hình.

Với kết cấu rất đơn giản, chỉ là một thìa kim loại dùng làm cánh quạt, quay xung quanh một thanh thép nhỏ và dây câu được nối vào đây, mồi Spinner vô cùng hữu dụng cả trong nước đục lẫn nước trong. Khi quăng mồi, spinner chìm chậm nên rất hiệu quả khi câu nước cạn, hoặc ở các khu nước thoáng, ít rong. Được rất nhiều loại cá ưa thích, lại câu được quanh năm nên loại mồi bình dân này được dân câu thế giới đánh giá là con mồi hay nhất trong tất cả các loại mồi giả.

Bộ phận “làm nên chuyện nhất” của loại mồi này chính là chiếc thìa mỏng bằng kim loại, một mặt lồi một mặt lõm. Chiếc thìa này có thể to bản, có thể nhỏ bản. Nếu câu ở chỗ nước chảy nhanh thì nên dùng loại bản nhỏ và rê thật nhanh. Còn câu ở chỗ nước chảy chậm thì nên dùng loại bản lớn và rê thật chậm rãi. Dùng loại cần cứng khỏe để có thể giật mạnh làm lưỡi câu xóc mạnh vào miệng cá. Trong quá trình câu, nguyên tắc cơ bản là quay đều tay rồi bất thình lình thay đổi tốc độ cho mồi chạy nhanh hơn để kích thích cá, giống như một con cá thật đột ngột chạy trốn khi phát hiện ra kẻ đi săn vậy.

Trong lịch sử phát triển của mình, mồi Spinner cũng có nhiều phiên bản nhằm thỏa mãn được hết nhiều loại địa hình, nhiều loại cá của câu thủ. Một trong những phiên bản thành công nhất chính là Spinnerbait.

Vẫn tuân theo nguyên lý thiết kế của một Spinner, mồi Spinnerbait cũng có thìa quay và quay quanh trục. Chiếc thìa này lại chia mồi Spinnerbait ra làm 3 loại mồi: đó là mồi có 1 thìa, mồi có 2 thìa và mồi có từ 3 thìa trở lên.

Mồi Spinnerbait loại 2 thìa

Spinnerbait được tạo ra để khắc phục những khó khăn khi câu ở các địa hình có nhiều chướng ngại như khu nhiều chà, nhiều gốc cây nằm rải rác dưới đáy hồ. Do có cấu tạo độc đáo, thân trục chính chẻ ra hình chữ V để tránh rong hoặc nhánh cây vướng vào lưỡi hoặc thìa quay, còn thìa quay thì vừa tạo sự phản chiếu lấp lánh, vừa tạo được âm thanh khi quay, nên Spinnerbait được ví như những chàng trinh sát quả cảm, sẵn sàng lôi kéo sự chú ý, sự xuất hiện của các loại cá săn mồi. Và cho dù có làm nên chuyện hay không thì nó cũng đã làm cho kẻ thù lộ diện, giúp người câu biết được vị trí của cá để có cách đánh phù hợp.

Mồi Spinnerbait vô cùng hữu dụng cả trong nước đục lẫn nước trong

Một phiên bản khác, tuy không thông dụng như Spinnerbait nhưng lại là một sát thủ trên mặt, đó là mồi Buzzbait. Có hình dáng không khác nhiều so với Spinnerbait nhưng bộ phận thìa quay được thiết kế rất đặc biệt, không quay quanh trục như Spinnerbait mà làm nhiệm vụ đẩy nước đi. Mỗi mồi Buzzbait có từ 1-3 thìa quay.

Mồi Buzzbait, một phiên bản khác của mồi Spinner

Mồi này được thiết kế để hoạt động trên mặt nước, khi rê tạo âm thanh rù rì trong nước và tạo sóng trên mặt do thìa quay đẩy nước. Buzzbait cực kỳ hiệu quả khi câu nước đục, vì cá không nhìn thấy mồi thì nghe được tiếng động do mồi tạo ra.

Mồi Plug
Nếu ai đã từng câu lure, hoặc đọc các tài liệu về mồi lure chắc cũng đã biết đến các cụm từ như Crankbait, wobbler, Minnow, Stickbait, Chugger, Shallow-diver, deep-diver… Tất cả những tên gọi này đều chỉ tới loại mồi Plug, một loại mồi thân cứng rất phổ biến.

Ban đầu, Plug được làm bằng gỗ rất phổ biến

Ban đầu, Plug được làm bằng gỗ, sau chuyển sang nhựa để có giá thành thấp hơn và cũng để sắc sảo, chiều mắt hơn. Đa phần mồi Plug mô phỏng theo hình dạng của cá nhỏ, một vài loại thì bắt chước tôm hay nhái. Plug có nguyên lý thiết kế căn bản là tạo tiếng động khi di chuyển, tiếng động đó có thể phát ra từ những viên chì tròn nằm trong thân mồi hoặc từ phần lõm vào ở miệng mồi để khi rê nó tạt nước tạo âm thanh.

Mồi Plug có nguyên lý thiết kế căn bản là tạo tiếng động khi di chuyển

Mồi Plug chủ yếu dành câu trên mặt nước, có thể câu bất kỳ thời gian nào trong ngày nhưng hiệu nghiệm nhất là lúc sáng sớm, chập choạng tối hoặc đêm khuya, khi đó không gian yên tĩnh, mặt nước êm ả nên cá tập trung và lắng nghe được các sóng âm mà con mồi tạo ra khi chuyển động.

Trong quá trình phát triển, mồi Plug được “biến hóa” theo kỹ thuật câu, địa hình và đặc điểm sinh học của từng loại cá theo từng vùng, miền. Ví như Stickbait chẳng hạn, Stickbait là một loại mồi Plug có chứa chì ở phần đuôi nên khi thả mồi xuống nước sẽ nửa chìm nửa nổi. Có hình dáng thon dài nhưng mồi này lại rất ồn ào khi lướt trên mặt. Tuy vậy, tự thân mồi không được thiết kế để ồn ào mà chủ yếu là do người câu tạo ra, nên khi câu loại mồi này, người câu phải biết cách điều khiển để nó phát huy những thế mạnh của mồi Plug như lắc lư ngang ngược mới gây được chú ý của loại cá sống dưới đáy. Thực tế cho thấy, Stickbait là loại hiệu quả nhất với cá đáy, khi đó, một con cá dữ ở độ sâu 3m có thể vọt lên tấn công mồi trong nháy mắt.

Stickbait là một loại mồi Plug có chứa chì ở phần đuôi

Có một loại mồi rất giống với Stickbait nhưng có chong chóng ở phần đầu, hoặc cả đầu lẫn đuôi, đó chính là Propbait. Nhờ có chong chóng trên đầu, Propbait rất ồn ào, tạo nhiều tiếng động hơn khi di chuyển trên mặt nước. Trong dòng Propbait lại chia ra loại đầu dẹt và đầu nhọn, đầu dẹt thì run rẩy nhiều hơn đầu nhọn khi rê kéo. Propbait là loại mồi câu trên mặt nước rất hiệu nghiệm.

Chong chóng ở phần đầu là đặc trưng của mồi Probait

Có hình thể rất giống với con tôm đó là mồi Crawler, nếu câu đêm, ở những khu vực không quá nhiều rong, nước cạn thì mồi Crawler rất tuyệt.

Mồi Crawler Có hình thể gần giống với con tôm

Chugger có phần đầu phẳng hoặc lõm vào. Khi rê, phần lõm này làm cho mặt nước sủi tăm và có tiếng động khi giật đầu cần nhanh trên mặt nước. Loại mồi này chỉ thật sự phát huy tác dụng khi người câu biết đích đến cụ thể để quăng mồi vào, ví như những khoảng trống nhỏ giữa đám sen, súng…

Mồi Chuggercó phần đầu phẳng hoặc lõm vào

( CÒN TIẾP - ĐỌC TIẾP PHẦN 2 )

Source : vietnamfishingreview

Bình luận (1 bình luận)
binh-luan

Hello World! https://helloworld.com?hs=634f060a4a1e35b40e5c40ddd61b47b2&

28/09/2022

099679

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
0981389928
Liên hệ qua Zalo
Messager
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Giỏ hàng( Sản phẩm)