Tổng hợp từ A-Z về Lưỡi câu cá chép hiệu quả nhất cho người mới

Đăng bởi Thuỳ Linh vào lúc 01/05/2022

Tổng hợp từ A-Z về Lưỡi câu cá chép hiệu quả nhất cho người mới

Để câu cá chép sông hiệu quả là biết lựa chọn lưỡi câu và chế biến mồi, thính phù hợp với lưỡi câu và đúng sở thích của loài cá chép. Có rất nhiều cách để làm mồi câu cá chép sông, hồ, nhưng hiệu quả nhất là mồi lăng xê, mồi thính, mồi tổng hợp… Những mồi này làm từ giun, ốc, cơm, khoai lang, ngũ cốc, bột mì… và được kết hợp khéo léo với lưỡi đơn, lưỡi lục để câu cá chép khổng lồ.

Có 4 nguyên tắc chung khi chọn lưỡi câu cá Chép

1/ Câu xa hay gần: xa lưỡi cỡ to chống lật, gần lưỡi cỡ nhỏ.

2/ Câu nông hay sâu: nông lưỡi cỡ nhỏ, chì nhỏ, tay dài; sâu lưỡi to, chì to, tay ngắn; sâu quá lưỡi tứ cỡ to, chì to, tay ngắn.

3/ Nước trong- lưỡi nhỏ, nước đục- lưỡi to.

4/ Cá to-lưỡi to, cá bé lưỡi bé.

Câu cá Chép bằng lưỡi đơn

Cách ăn mồi của cá chép khá là “tinh vi”, đặc biệt chép to, chép củ. Bởi thế nên những cần thủ kinh nghiệm thường dùng mồi câu cá chép bằng lưỡi đơn. Tỉ lệ thành công sẽ cao hơn so với dùng lưỡi lục. Khi đã “đóng” cá chép bằng lưỡi đơn, khả năng lên bờ là 98%. Còn giật lưỡi lục rất dễ bong nếu không theo dòng, một con dính lục là cả đàn sợ chạy toán loạn hết ráo cả. Con chép nào đã từng bị lưỡi lục sượt qua thân, chết hụt một lần thì dù có chết đói giã họng nó cũng không quay lại chỗ đó nữa.

Nếu câu lưỡi đơn, tức là cá phải ngậm vào lưỡi câu thì tỷ lệ thành công mới cao. Do đó, để cá ngậm trúng lưỡi câu thì mồi phải được gắn trực tiếp ở lưỡi câu để hấp dẫn cá. Đặc biệt, khi câu cá chép khổng lồ các cần thủ hay sử dụng lăng xê.

Câu cá Chép bằng lưỡi lục

Câu lục là một hình thức câu cá rất phổ biến hiện nay. Bên cạnh cần câu, máy câu thì lưỡi câu lục cũng đóng vai trò quan trọng đối với hiệu quả của một chuyến đi câu và rất được các cần thủ quan tâm. Lục được chia ra làm nhiều cỡ và được phân theo số như lục : 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12,... Tại sao lại có những cỡ như vậy là họ dựa trên độ dày của thép sử dụng để làm lưỡi của 1 bộ lục. Chì của bộ lục thông thường cũng có số và có độ nặng tính bằng Gram cùng với số của cỡ lục.

Để câu cá chép, bạn nên lựa chọn lưỡi như sau”

- Đầu cần: lưỡi nhỏ 5-6; tay rất dài, nhỏ (dễ ôm); chì thấp, nhẹ.

- Xa bờ: lưỡi trung 8-12; tay ngắn, cứng vừa phải; chì nặng, hình trụ cao; chống lật.

Nếu câu cá chép sông bằng lưỡi lục, cần thủ không cần gắn mồi trực tiếp ở lưỡi câu, mà chỉ cần quăng thính dụ đàn cá đến, sau đó khéo léo quăng lưỡi câu gần sát ổ thính để cá bơi qua khu vực ổ thính mắc câu.

Ưu điểm của cách câu cá chép sông này là mồi nằm đa số vị trí tĩnh do có thể lăng xa. Hơn nữa, mồi bó khó bị các loài cá khác rỉa tan hết và các móc con dễ vào miệng cá chép khi chúng nếm mồi.

Một số cách câu cá Chép khác

Câu lưỡi đơn, lưỡi lục, lăng xê đều là những cách câu thích hợp với những người thích ngồi tĩnh lặng, thích cảm giác chờ cá cắn câu. Nhưng với những người hoạt bát, thích chủ động họ lại lựa chọn cách câu ba tiêu để chủ động săn cá. Cách câu cá chép sông bằng ba tiêu đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện, bởi người câu phải liên tục quăng cần đi xa với các hướng khác nhau mà không cần mồi, thính dụ cá. Đặc biệt, người câu phải cảm nhận được hướng đi của đàn cá để tung lưỡi ba tiêu và lưỡi câu được ném càng xa càng tốt, chỉ cần cá đi vào đường quăng của lưỡi là sẽ không thể thoát thân.

Cách câu cá chép sông này phù hợp với địa điểm câu có nhiều bùn, không vướng rác để tránh mất lưỡi. Và việc câu cá sử dụng lưỡi ba tiêu nào phụ thuộc vào cần, cần khỏe, độ cứng cao thì dùng lưỡi to. Người câu ba tiêu thường dùng cần trúc đốt ngắn, bát cước làm bằng gỗ mít và dây cước có độ bền cao làm phụ kiện câu cá chép khổng lồ.

Câu cá chép sông là một thú vui của nhiều đấng mày râu, là cách để giải tỏa những căng thẳng, mệt mỏi của cuộc sống. Và với mỗi cần thủ, tùy mục đích, sở thích mà họ có cách câu cá chép sông khác nhau, nhưng hiệu quả nhất vẫn là phải kỹ thuật điêu luyện, kinh nghiệm dày dạn của những tay săn cá lành nghề.